Viêm kết mạc mắt sơ sinh

(Viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh)

TheoBrenda L. Tesini, MD, University of Rochester School of Medicine and Dentistry
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 07 2022

Viêm màng kết mạc mắt ở sơ sinh là hiện tượng viêm kết mạc chảy dịch, chảy mủ do các chất hóa học kích thích hoặc do các tác nhân gây bệnh khác. Phòng ngừa bằng điều trị thuốc bôi tại chỗ lậu cầu ngay sau sinh. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng và được khẳng định bằng xét nghiệm. Điều trị bằng các kháng sinh cụ thể.

(Xem thêm Viêm kết mạc vi khuẩn cấp tínhTổng quan về nhiễm trùng sơ sinh.)

Căn nguyên của bệnh viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh

Các nguyên nhân chính (theo thứ tự giảm dần) là

Nhiễm trùng do nhiễm từ mẹ trong quá trình sinh trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh trong đường sinh dục của bà mẹ. Chlamydia mắt (gây ra bởi Chlamydia trachomatis) là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất; nó chiếm tới 40% số viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh < 4 tuần tuổi. Tỷ lệ nhiễm Chlamydia ở mẹ dao động từ 2 đến 20%. Khoảng 30 đến 50% trẻ sơ sinh nhiễm bệnh từ các bà mẹ có nhiễm cấp tính và trong đó có 25 đến 50% những trẻ mắc bệnh có viêm màng kết mạc (5 đến 20% mắc bệnh viêm phổi). Các vi khuẩn khác, bao gồm Streptococcus pneumoniae và nontypeable Haemophilus influenzae chiếm khoảng từ 30% đến 50% số trường hợp, trong khi bệnh mắt do lậu cầu (viêm kết mạc do Neisseria gonorrhoeae) chiếm < 1% trường hợp.

Viêm kết mạc do hóa học thường là thứ phát do sử dụng thuốc mỡ bôi tại chỗ trong điều trị dự phòng bệnh ở mắt.

Nguyên nhân virus gây viêm kết mạc thường gặp nhất là herpes simplex loại 1 và 2 (viêm kết mạc hoại tử do herpes), tuy nhiên, virus này chỉ gây ra < 1% trường hợp mắc bệnh.

Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh

Các nguyên nhân gây viêm kết mạc có biểu hiện lâm sàng và khởi phát giống nhau nên việc phân định nguyên nhân dựa vào triệu chứng lâm sàng là rất khó khăn. Viêm kết mạc biểu hiện tình trạng viêm, chảy nước và chảy dịch mủ ở mắt.

Viêm kết mạc hóa học do tiếp xúc với các thuốc bôi mắt, thường xuất hiện trong vòng 6 đến 8 giờ sau khi bôi và tự biến mất trong vòng 48 đến 96 giờ.

Bệnh mắt Chlamydia thường xảy ra từ ngày thứ 5 đến 14 sau sinh. Viêm kết mạc có thể biểu hiện nhẹ với hiện tượng chảy một ít dịch mủ ở mắt hoặc có thể biểu hiện nặng là mắt sưng phù chảy mủ và tạo giả mạc ở mắt. Thường không tạo nang như ở trẻ lớn hơn và người lớn.

Bệnh lậu mắt viêm kết mạc cấp tính xuất hiện từ 2 đến 5 ngày sau sinh hoặc sớm hơn khi ối vỡ sớm. Trẻ sơ sinh có tình trạng phù mắt nghiêm trọng sau khi đã được điều trị thuốc tra hoặc sau giai đoạn chảy mủ có nguy cơ bị ứ dịch và tăng áp lực. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến loét giác mạc và mù.

Viêm kết mạc sơ sinh
Dấu các chi tiết
Hình ảnh này cho thấy bệnh nhãn cầu do lậu cầu. Các triệu chứng và dấu hiệu như phù mí mắt, sưng nề và chảy mủ phát triển từ 2 đến 5 ngày sau khi sinh.
BÁC SĨ M.A. ANSARY/SCIENCE PHOTO LIBRARY

Viêm kết mạc do các vi khuẩn khác gây ra có dấu hiệu khởi phát có thể thay đổi từ 4 ngày đến vài tuần sau sinh.

Viêm hoại tủ giác mạc do Herpes có thể là nhiễm tại chỗ hoặc nhiễm herpes toàn thể hoặc nhiễm herpes ở hệ thần kinh. Viêm kêt mạc do vi khuẩn và do hóa chất có thể có biểu hiện giống nhau, phân biệt dựa vào tìm vi khuẩn trong tổ chức viêm.

Chẩn đoán viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh

  • Dựa vào tìm căn nguyên gây viêm do vi khuẩn bao gồm: lậu, chlamydia, một số trường hợp có thể do herpes.

Chẩn đoán có thể dựa vào nhuộm soi vi khuẩn hoặc nuôi cấy với lậu (trên môi trường thay đổi của Thayer-Martin) và các vi khuẩn khác, thử nghiệm chlamydia (bằng nuôi cấy, phản ứng miễn dịch huỳnh quang hoặc xét nghiệm miễn dịch hấp phụ enzyme, [bệnh phẩm phải có tế bào]). Có thể nhuộm Giemsa mẫu bệnh phẩm; nếu xác định được các thể vùi màu xanh đạm, bệnh mắt do chlamydia được khẳng định. Các xét nghiệm khuếch đại acid nucleic có thể cho độ nhạy tốt hơn cho việc phát hiện bệnh Chlamydia từ bệnh phẩm kết mạc so với các phương pháp cũ.

Nuôi cấy virut chỉ được thực hiện khi nghi ngờ bị nhiễm virus ở tổn thương da hoặc nhiễm trùng từ mẹ.

Điều trị viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh

  • Liệu pháp kháng khuẩn toàn thân, nội khoa, hoặc phối hợp

Trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc mà biết trước mẹ có nhiễm lậu cầu hoặc nhuộm soi bệnh phẩm mủ mắt có song cầu gram âm nội bào nên được điều trị với ceftriaxone hoặc cefotaxime ( xem Bảng: Khuyến cáo liều đề nghị của một số thuốc kháng sinh dùng đường tĩnh mạch ở trẻ sơ sinh) ngay, trước khi có kết quả xét nghiệm khẳng định.

Trong bệnh mắt chlamydia, cần điều trị kháng sinh toàn thể, bởi ít nhất một nửa số trẻ sơ sinh có chlamydia mắt có kèm theo viêm mũi họn hoặc viêm phổi do chlamydia. Khuyến cáo điều trị với Erythromycin ethylsuccinate 12,5 mg/kg uống, 6 giờ một lần, trong 2 tuần hoặc azithromycin 20 mg/kg uống 1 lần/ngày trong 3 ngày. Hiệu quả của liệu pháp này chỉ là 80%, vì vậy cần có điều trị lần 2. Vì sử dụng erythromycin ở trẻ sơ sinh có liên quan đến sự phát triển của hẹp miệng phì đại môn vị (HPS), tất cả trẻ sơ sinh điều trị với erythromycin phải được theo dõi về các triệu chứng và dấu hiệu của hẹo phì đại môn vị, tư vấn cho bố mẹ trẻ biết về nguy cơ này.

Trẻ sơ sinh bệnh mắt lậu cần được đưa vào bệnh viện để đánh giá nhiễm trùng toàn thân do lậu và tiêm một liều ceftriaxone 25 đến 50 mg/kg,tối đa là 125 mg- tiêm bắp. Trẻ sơ sinh bị tăng bilirubin máu hoặc những bệnh nhân có chống chỉ định tiêm canxi không nên điều trị bằng ceftriaxone có thể thay thế bằng một liều duy nhất cefotaxime 100 mg/kg TM hoặc TB. Thường xuyên rửa mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý để phòng gây dính. Thuốc mỡ kháng khuẩn tại chỗ không có hiệu quả với nhiễm khuẩn toàn thân và không cần thiết khi đã điều trị toàn thân.

Viêm kết mạc do các vi khuẩn khác thường đáp ứng với thuốc mỡ tại chỗ chứa polymyxin cộng với bacitracin, erythromycin, hoặc tetracycline.

Viêm hoại tử kết mạc do herpes nên điều trị bằng acyclovir 20 mg/kg, 8 giờ một lần trong 14 ngày đến 21 ngày và dùng thuốc mỡ mắt hoặc thuốc mỡ 1% trifluridine, hoặc mỡ vidarabine 3%, hoặc 0,1% iododeoxyuridine, 2 giờ đến 3 giờ một lần, tối đa là 9 liều/24 giờ. Liệu pháp toàn thân là rất quan trọng, bởi vì việc lây nhiễm đến hệ thần kinh trung ương và các cơ quan khác có thể xảy ra.

Chống chỉ định dùng các thuốc mỡ tra mắt có chưa Corticosteroid vì có thể làm trầm trọng thêm các tổn thương mắt do C. trachomatis và herpes simplex.

Phòng ngừa viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh

Thường xuyên sử dụng 1% bạc nitrate giọt, thuốc mỡ 0,5% erythromycin, hoặc 1% tetracycline dạng thuốc mỡ mắt hoặc thuốc nhỏ giọt vào mỗi mắt sau khi sinh có hiệu quả ngăn ngừa bệnh mắt do lậu. Tuy nhiên, không có thuốc nào trong số này ngăn ngừa bệnh mắt do chlamydia; povidone iodine 2,5% giọt có thể có hiệu quả chống lại chlamydia và lậu. Bạc nitrat bạc và thuốc mỡ mắt tetracycline cũng không còn được cung cấp tại Mỹ.

Trẻ sơ sinh của các bà mẹ bị lậu không được điều trị nênđược chỉ định tiêm một lần ceftriaxone 25 đến 50 mg/kg (tối đa 125 mg) TM hoặcTB (không nên dùng ceftriaxone ở trẻ sơ sinh bị tăng bilirubin máu hoặc chống chỉ định dùng thuốc có chưa canxi). Những trường hợp này, cả mẹ và trẻ sơ sinh nên được sàng lọc nhiễm trùng chlamydia, HIV, và giang mai.

Những điểm chính

  • C. trachomatis,S. pneumoniae, H. influenzae là nguyên nhân thường gặp gây viêm kết mạc vi khuẩn; N. gonorrhoeae là một nguyên nhân hiếm gặp.

  • Viêm kết mạc hóa học có thể do sử dụng thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc bạc nitrate sau sinh để ngăn ngừa viêm kết mạc do vi khuẩn.

  • Viêm kết mạc biểu hiện tình trạng viêm, chảy nước và chảy dịch mủ ở mắt.

  • Xét nghiệm tìm nguyên nhân ở các mẫu bệnh phẩm để xác định mầm bệnh (bao gồm lậu, chlamydia) sử dụng phương pháp nhuộm soi, nuôi cấy, và đôi khi dùng thử nghiệm khuếch đại acid nucleic.

  • Cho thuốc kháng sinh đặc hiệu với mầm bệnh; trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng do lậu nên được nhập viện điều trị.

  • Điều trị liệu pháp kháng sinh toàn thân cho bệnh mắt chlamydia.