Bệnh Chagas

(Bệnh do Trypanosoma châu Mỹ)

TheoRichard D. Pearson, MD, University of Virginia School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 12 2022

Bệnh Chagas là bệnh nhiễm Trypanosoma cruzi, lây truyền qua vết cắn của bọ Triatominae hoặc ít phổ biến hơn là qua việc ăn phải nước mía hoặc thực phẩm bị nhiễm bọ Triatominae hoặc phân của chúng, qua truyền máu hoặc cấy ghép nội tạng từ người hiến tặng bị nhiễm bệnh hoặc qua người mẹ lây qua thai nhi. Các triệu chứng sau vết cắn của Triatominae thường bắt đầu bằng tổn thương da hoặc phù nề quanh hốc mắt một bên, sau đó tiến triển thành sốt, khó chịu, nổi hạch toàn thân và gan lách to; nhiều năm sau, 20 đến 30% bệnh nhân bị nhiễm bệnh phát triển loạn nhịp tim, bệnh cơ tim mãn tính, hoặc ít phổ biến hơn là megaesophagus hoặc megacolon. Ở bệnh nhân bị AIDS, da hoặc não có thể bị ảnh hưởng. Chẩn đoán là bằng cách tìm ký sinh trùng Trypanosome trong máu ngoại vi hoặc mảnh mô bị nhiễm bệnh. Các xét nghiệm kháng thể có độ nhạy cao và có thể hữu ích. Điều trị bằng nifurtimox hoặc benznidazole; tuy nhiên, thuốc chống ký sinh trùng không làm đảo ngược tiến trình của bệnh tim hoặc ruột.

Bệnh Chagas do Trypanosoma cruzi gây ra. Nhiễm trùng được truyền sang người khi bị bọ Triatominae (reduviid, Kissing hoặc Assassin) cắn ở Nam và Trung Mỹ, Mexico và rất hiếm ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, T. cruzi được lây truyền qua thức ăn nước uống bị nhiễm bọ Triatominae nhiễm bệnh hoặc phân của chúng; từ mẹ sang con, hoặc qua truyền máu hoặc ghép tạng từ người hiến tặng bị nhiễm bệnh.

Nguồn bệnh gồm chó,chuột, các loài gặm nhấm gấu trúc và nhiều động vật khác.

Có khoảng 8 triệu người bị nhiễm bệnh T. cruzi mạn tính trên toàn cầu. Hầu hết cư trú ở Châu Mỹ Latinh, nhưng khoảng 300.000 người nhiễm bệnh ở Châu Mỹ Latinh hiện đang sống ở Hoa Kỳ; những người khác sống ở Châu Âu hoặc các nơi khác (xem Centers for Disease Control and Prevention: Epidemiology & Risk Factors). Tỷ lệ nhiễm T. cruzi đang giảm ở khu vực Mỹ Latinh vì được cải thiện về nhà ở, sàng lọc trước khi hiến máu hoặc tạng, và các biện pháp kiểm soát khác.

Ước tính có khoảng 40.000 phụ nữ nhiễm T. cruzi trong độ tuổi sinh đẻ ở Mỹ. Người ta ước tính rằng 1 đến 5% số con cái của họ sinh ra bị nhiễm bệnh bẩm sinh.

Sinh lý bệnh của bệnh Chagas

Bệnh Chagas thường lây lan nhất khi một con bọ Triatominae cắn người hoặc động vật bị nhiễm bệnh, sau đó cắn người khác. Trong khi đốt, nó thải phân chứa ký sinh trùng ra da. Các dạng tồn tại của ký sinh trùng này sẽ xâm nhập qua vết đốt, kết mạc, niêm mạc mắt.

Các ký sinh trùng xâm nhập các đại thực bào tại vết đốt và chuyển thành amastigotes, sau đó nhân lên; Các amastigotes phát triển thành trypomastigotes, xâm nhập vào máu và không gian mô, và nhiễm các tế bào khác. Các tế bào của hệ thống mô mạch vành, cơ tim, cơ và hệ thống thần kinh thường gặp nhất.

Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh Chagas

Nhiễm T. cruzi có 3 giai đoạn:

  • Cấp

  • Mạn tính không xác định

  • Mạn tính

Nhiễm trùng cấp tính xảy ra âm thầm (mạn tính không xác định), có thể không có triệu chứng hoặc tiến triển thành bệnh mãn tính. Ức chế miễn dịch có thể kích hoạt lại nhiễm trùng, gây ra lượng ký sinh trùng trong máu cao và ở một số người bị tổn thương da hoặc tổn thương não.

Cấp

Nhiễm T.cruzi cấp tính ở các vùng lưu hành thường xảy ra ở thời thơ ấu và có thể không có triệu chứng. Khi xuất hiện, các triệu chứng bắt đầu sau khi phơi nhiễm từ 1 đến 2 tuần. Một tổn thương da ban đỏ gây tổn thương, ban đỏ (chagoma) xuất hiện tại vị trí nhập ký sinh trùng. Khi có phù kết mạc, ngoại vi đơn thuần và phù lòng bàn tay kết hợp với viêm kết mạc và viêm hạch bạch huyết được gọi chung là dấu hiệu Romaña.

Bệnh Chagas cấp tính gây tử vong ở một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân; tử vong do viêm cơ tim cấp tính có suy tim hay viêm màng não. Trong phần còn lại, các triệu chứng giảm dần mà không cần điều trị.

Bệnh Chagas cấp tính ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, ví dụ những bệnh nhân AIDS, có thể nặng và không điển hình, có tổn thương da và, hiếm khi, tổn thương não ngấm thuốc dạng vòng.

Nhiễm bệnh bẩm sinh hầu hết không có triệu chứng, nhưng trong 10 đến 40% số trường hợp có các biểu hiện không đặc hiệu xảy ra, bao gồm sinh non, nhẹ cân, sốt, gan lách to, thiếu máu và giảm tiểu cầu. Hiếm khi tử vong do bệnh tối cấp. Các dấu hiệu của nhiễm bệnh cấp tính khỏi ngay cả khi không điều trị trong phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh bẩm sinh.

Mạn tính không xác định

Bệnh nhân bị nhiễm trùng trung gian mạn tính có bằng chứng ký sinh trùng và/hoặc huyết thanh học của T. cruzi nhưng không có triệu chứng, bất thường thực thể và cũng không có bằng chứng về sự liên quan giữa tim và GI khi đánh giá bằng ECG và dải nhịp, siêu âm tim, chụp X-quang ngực, hoặc các phương pháp khác.

Nhiều bệnh nhân bị nhiễm được xác định bằng cách kiểm tra xét nghiệm miễn dịch gắn enzym (ELISA) và xét nghiệm kết tủa miễn dịch phóng xạ (RIPA) khi họ hiến máu.

Mạn tính với tổn thương tim hoặc đường ruột

Bệnh mạn tính phát triển trong 20 đến 30% số bệnh nhân sau một giai đoạn trung gian mạn tính có thể kéo dài hàng năm hoặc hàng thập kỷ. Các ký sinh trùng có thể có trong bệnh mãn tính; phản ứng tự miễn dịch cũng có thể góp phần gây tổn thương cơ quan. Các biểu hiện chính là

  • Tim mạch

  • Đường tiêu hóa

Bệnh tim thường biểu hiện với các bất thường dẫn truyền bao gồm block nhánh phải hoặc block nhánh trước. Bệnh cơ tim mạn tính dẫn đến sự giãn nở của tất cả các buồng tim, phình động mạch và các thương tổn thoái hóa cục bộ trong hệ thống dẫn truyền. Bệnh nhân có thể bị suy tim, ngất, đột tử do block nhĩ thất hoặc rối loạn nhịp thất hoặc huyết khối tắc nghẽn. ECG có thể cho thấy block nhánh phải hoặc block tim hoàn toàn.

Bệnh đường tiêu hóa gây ra các triệu chứng giống co thắt tâm vị hoặc là bệnh phình đại tràng bẩm sinh. Giãn thực quản biểu hiện như nuốt khó và có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi do hít hoặc suy dinh dưỡng nặng. Giãn đại tràng có thể dẫn đến táo bón kéo dài và xoắn ruột.

Chẩn đoán bệnh Chagas

  • Soi lam máu dưới kính hiển vi (giọt mỏng hoặc dày) hoặc mô (bệnh Chagas cấp tính)

  • Kiểm tra xét nghiệm huyết thanh học xác nhận bằng một mẫu thứ hai

  • Xét nghiệm dựa trên phản ứng chuỗi polymerase

Số lượng trypanosome trong máu ngoại vi rất lớn trong giai đoạn cấp tính của bệnh Chagas và có thể dễ dàng phát hiện bằng cách kiểm tra những lam kính giọt mỏng hoặc dày. Ngược lại, vài ký sinh trùng có mặt trong máu trong thời gian nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc bệnh mạn tính. Chẩn đoán chính xác bệnh Chagas giai đoạn cấp tính cũng có thể thực hiện bằng cách kiểm tra mô của hạch bạch huyết hoặc tim.

Ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch có bệnh Chagas mạn tính, các xét nghiệm huyết thanh học, chẳng hạn như kháng thể huỳnh quang gián tiếp (IFA), xét nghiệm miễn dịch men (EIA), hoặc xét nghiệm miễn dịch hấp phụ enzyme (ELISA) thường được thực hiện để phát hiện các kháng thể T. cruzi. Xét nghiệm huyết thanh học rất nhạy cảm nhưng có thể mang lại kết quả dương tính giả ở những bệnh nhân mắc bệnh do leishmania hoặc các bệnh khác. Do đó, xét nghiệm dương tính ban đầu được theo sau bởi một hoặc nhiều xét nghiệm khác nhau (thường là xét nghiệm kết tủa miễn dịch phóng xạ (RIPA) ở Hoa Kỳ) hoặc đôi khi bằng kính hiển vi phết lam máu hoặc mẫu mô bệnh để chẩn đoán. Xét nghiệm huyết thanh học cũng được sử dụng để sàng lọc người cho máu T. cruzi ở các vùng lưu hành và Hoa Kỳ.

Các xét nghiệm dựa trên phản ứng chuỗi polymerase (PCR) được sử dụng khi mức độ ký sinh trùng có thể cao, như bệnh Chagas cấp tính, trong bệnh Chagas truyền qua nhau thai (bẩm sinh), hoặc sau khi truyền qua truyền máu, cấy ghép, hoặc phơi nhiễm trong phòng thí nghiệm. Ở những vùng dịch tễ bệnh, chẩn đoán bằng ngoại vật đã từng được sử dụng; nó liên quan đến việc xét nghiệm thành phần trong ruột của những con rệp Triatominae được nuôi trong phòng thí nghiệm sau khi họ lấy một ít mẫu máu từ người bị bệnh Chagas.

Xét nghiệm hỗ trợ trên bệnh nhân Chagas mạn tính

Sau khi bệnh Chagas được chẩn đoán, các xét nghiệm sau đây nên được thực hiện, tùy thuộc vào kết quả:

  • Không có triệu chứng nhưng có tiền sử nhiễm T. cruzi: Kiểm tra điện tim đồ và chuyển đạo kéo dài, chụp X quang ngực

  • Các bất thường tim tiềm ẩn trên điện tim hoặc các triệu chứng cho thấy bệnh tim: Siêu âm tim

  • Chứng khó nuốt hoặc các triệu chứng đường tiêu hóa hoặc có biểu hiện: Chụp cản quang ông tiêu hóa và/hoặc nội soi

Điều trị bệnh Chagas

  • Benznidazole hoặc nifurtimox

  • Chăm sóc hỗ trợ

Giai đoạn cấp tính bệnh Chagas được điều trị bằng thuốc chống ký sinh trùng nhằm:

  • Giảm nhanh ký sinh trùng

  • Hạn chế triệu chứng lâm sàng

  • Giảm tỉ lệ tử vong

  • Giảm khả năng diễn biến bệnh mãn tính

Điều trị được chỉ định cho tất cả các trường hợp mắc bệnh Chagas cấp tính, bẩm sinh hoặc tái phát và đối với tình trạng nhiễm không xác định mạn tĩnh ở trẻ em đến 18 tuổi. Điều trị sớm ở bệnh nhân càng trẻ, càng có nhiều khả năng điều trị khỏi ký sinh trùng.

Hiệu quả điều trị giảm khi thời gian nhiễm bệnh kéo dài và tác dụng phụ thường xảy ra ở người lớn. Điều trị được chỉ định cho trẻ em nhiễm T. cruzi đến 18 tuổi. Nó được khuyến nghị cho những người từ 18 đến 50 tuổi trừ khi họ có bằng chứng của bệnh tim hoặc đường tiêu hóa (GI) tiến triển. Đối với bệnh nhân > 50 tuổi, điều trị cá thể hoá dựa trên nguy cơ và lợi ích tiềm tàng.

Một khi các dấu hiệu của bệnh tim hoặc GI cấp tiến triển xuất hiện, không khuyến nghị sử dụng thuốc chống ký sinh trùng.

Các biện pháp hỗ trợ bao gồm điều trị suy tim, đặt máy tạo nhịp tim để điều trị block tim, thuốc chống loạn nhịp tim, cấy ghép tim, nong thực quản, tiêm độc tố botulinum vào cơ thắt thực quản dưới và phẫu thuật đường tiêu hóa để điều trị megacolon.

Các loại thuốc chống ký sinh trùng hiệu quả duy nhất là

  • Benznidazole: Dành cho người lớn và trẻ em > 12 tuổi, 2,5 - 3,5 mg/kg/ngày, uống 2 lần/ngày trong 60 ngày

    Với trẻ em 12 tuổi, 2,5 - 3,75 mg/kg/ngày uống 2 lần/ngày trong 60 ngày

  • Nifurtimox: Với người từ 17 tuổi, 2 - 2,5 mg/kg uống 4 lần mỗi ngày trong 90 ngày

    Với trẻ em từ 11 đến 16 tuổi, liều 3 - 3,75 mg/kg uống 4 lần mỗi ngày trong 90 ngày

    Với trẻ em từ 1 đến 10 tuổi, 4 đến 5 mg/kg/ngày uống 4 lần mỗi ngày trong 90 ngày

Benznidazole thường được dung nạp tốt hơn và thời gian điều trị ngắn hơn. Cả benznidazole và nifurtimox đều có độc tính đáng kể, độc tính này tăng theo tuổi. Chống chỉ định bệnh gan nặng hoặc bệnh thận. Trẻ nhỏ thường dung nạp điều trị tốt hơn người lớn. Khi phụ nữ được chẩn đoán mắc Chagas trong thai kỳ, việc điều trị thường bị trì hoãn cho đến sau khi sinh và trẻ sơ sinh sau đó sẽ được điều trị nếu bị nhiễm bệnh.

Tác dụng bất lợi thường gặp của benznidazole bao gồm viêm da dị ứng, chán ăn, sụt cân, viêm dây thần kinh ngoại vi và mất ngủ.

Tác dụng bất lợi thường gặp của nifurtimox là chán ăn, buồn nôn, nôn, sụt cân, viêm đa dây thần kinh, đau đầu, chóng mặt và hoa mắt.

Có khuyến nghị về việc những loại thuốc này không được sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc bà mẹ đang cho con bú.

Phòng ngừa bệnh Chagas

Cải tạo, nâng cấp nhà ở hoặc phun thuốc diệt bọ xít (những loại thuốc này có thời gian tác động kéo dài) có thể kiểm soát các loại bọ Triatominae. Lây nhiễm bệnh ở những người đi du lịch là rất hiếm và có thể tránh được bằng cách không ngủ trong những ngôi nhà riêng biệt hoặc, nếu không thể tránh khỏi việc ngủ trong những ngôi nhà như vậy, bằng cách sử dụng màn.

Một biện pháp phòng ngừa khác là tránh nước mía tươi hoặc các thực phẩm khác có thể bị ô nhiễm.

Sàng lọc những phụ nữ có nguy cơ trong độ tuổi sinh đẻ và điều trị trước khi mang thai làm giảm khả năng bị nhiễm bệnh bẩm sinh.

Kể từ năm 2006, tại Hoa Kỳ sàng lọc đối với đối tượng hiến máu hoặc tạng ở vùng lưu hành để ngăn ngừa bệnh Chagas liên quan đến truyền máu và cơ quan cấy ghép tạng.

Những điểm chính

  • Bệnh Chagas là bệnh do nhiễm ký sinh trùng Trypanosoma cruzi, được truyền bởi bọ Triatominae (bọ, rận, hoặc rệp).

  • Bệnh hay gặp ở vùng Nam, Trung Mỹ và Mêhicô; ước tính khoảng 8 triệu người trên toàn thế giới, bao gồm khoảng 300.000 người ở Hoa Kỳ (chủ yếu là người nhập cư) bị nhiễm bệnh.

  • Bệnh cấp tính được theo sau bởi một giai đoạn không xác định lâu dài, có thể không có triệu chứng, khoảng 20 đến 30% số bệnh nhân, bệnh tiến triển mạn tính, đặc biệt ảnh hưởng đến tim và đường tiêu hóa (GI).

  • Chẩn đoán bệnh Chagas cấp tính bằng cách sử dụng kính hiển vi quang học soi lam máu (mỏng hoặc dày) hoặc mẫu mô hoặc PCR.

  • Chẩn đoán nhiễm T. cruzi mạn tính bằng xét nghiệm ELISA với kết quả miễn dịch phóng xạ (RIPA) hoặc các xét nghiệm tìm kháng thể khác.

  • Sử dụng xét nghiệm PCR để đánh giá lây nhiễm qua động vật có vú, qua truyền máu, cấy ghép, hoặc phơi nhiễm trong phòng thí nghiệm.

  • Siêu âm tim nếu bệnh nhân có các triệu chứng gợi ý bệnh tim hoặc các bất thường về tim trên phim X-quang, điện tim đồ hoặc rối loạn nhịp; Chụp cản quang ống tiêu hóa hoặc nội soi nếu bệnh nhân có khó nuốt hoặc các triệu chứng khác để phát hiện bệnh Chagas mạn tính.

  • Thuốc chống ký sinh trùng benznidazole và nifurtimox được sử dụng để điều trị bệnh Chagas cấp tính, bẩm sinh hoặc tái hoạt. Các loại thuốc này cũng được sử dụng để điều trị nhiễm bệnh mạn tính ở trẻ em lên đến 18 tuổi. Các loại thuốc này được khuyến nghị mạnh mẽ cho người lớn từ 18 đến 50 tuổi không mắc bệnh tim tiến triển hoặc không có bằng chứng về bệnh đường tiêu hóa. Đối với bệnh nhân > 50 tuổi bị nhiễm bệnh mạn tính, điều trị được cá nhân hoá dựa trên sự cân bằng về nguy cơ và lợi ích.

  • Thuốc chống ký sinh trùng không có hiệu quả trên bệnh nhân bị bệnh Chagas tim và đường tiêu hóa tiến triển, nhưng các biện pháp hỗ trợ (như điều trị suy tim, máy tạo nhịp tim, thuốc chống loạn nhịp, cấy ghép tim, mở rộng thực quản, tiêm độc tố botulinum vào cơ vòng thực quản dưới, phẫu thuật dạ dày ruột) hữu ích.

Thông tin thêm

Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. Centers for Disease Control and Prevention (CDC): Nguồn thông tin dành cho chuyên gia y tế: Bệnh Chagas