Nhiễm trùng khoang dưới hàm

(bệnh viêm miệng họng Ludwig)

TheoAlan G. Cheng, MD, Stanford University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 03 2022

Nhiễm trùng khoang dưới hàm là tình trạng viêm mô tế bào cấp tính của các mô mềm bên dưới miệng. Các triệu chứng bao gồm đau, khó nuốt và tắc nghẽn đường thở có thể gây tử vong. Chẩn đoán thường là lâm sàng. Điều trị bao gồm kiểm soát đường thở, phẫu thuật dẫn lưu và kháng sinh đường tĩnh mạch.

Nhiễm trùng khoang dưới hàm là tình trạng viêm mô tế bào bì cứng, hai bên, lan rộng nhanh chóng, xảy ra ở các mô mềm trên xương móng, sàn miệng, và cả các khoang dưới lưỡi và dưới hàm mà không hình thành áp xe. Mặc dù không phải là một áp xe thực sự, nó giống một áp xe trên lâm sàng và được điều trị tương tự.

Tình trạng này thường phát triển từ một chỗ nhiễm trùng răng, đặc biệt là răng hàm dưới thứ 2 và thứ 3. Các yếu tố góp phần có thể bao gồm vệ sinh răng miệng kém, nhổ răng và chấn thương (ví dụ như gãy xương hàm, vết rách sàn miệng).

Triệu chứng và Dấu hiệu

Các biểu hiện ban đầu của nhiễm trùng khoang dưới hàm là đau ở bất kỳ răng nào có liên quan, với mức độ dữ dội, ấn đau, bì cứng cục bộ ở dưới cằm và dưới lưỡi. Tình trạng sàn miệng cứng chắc như tấm ván và các mô mềm trên xương móng bì cứng chắc có thể phát triển nhanh chóng. Có thể có hiện tượng chảy nước dãi, cứng hàm, nuốt khó, thở khò khè do phù nề thanh quản và lưỡi sau nhô lên tì vào lưỡi gà. Cũng thường có sốt, ớn lạnh và nhịp tim nhanh. Tình trạng này có thể gây tắc nghẽn đường thở trong vòng vài giờ và xảy ra thường xuyên hơn các bệnh nhiễm trùng khác ở cổ. Tỷ lệ tử vong chung là khoảng 0,3% (1).

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. McDonnough JA, Ladzekpo DA, Yi I, et al: Epidemiology and resource utilization of ludwig angina ED visits in the United States 2006-2014. Laryngoscope129(9):2041–2044, 2019. doi: 10.1002/lary.27734

Chẩn đoán

  • Đánh giá lâm sàng và đôi khi CT

Nhiễm trùng khoang dưới hàm thường rõ ràng trong quá trình đánh giá lâm sàng. Nếu không, CT được thực hiện để xác định chẩn đoán.

Điều trị

  • Duy trì đường thở thông thoáng

  • Phẫu thuật chích rách và dẫn lưu

  • Thuốc kháng sinh có hoạt tính chống lại hệ vi khuẩn miệng

Duy trì sự thông thoáng của đường thở là ưu tiên hàng đầu. Vì sưng tấy làm cho việc đặt nội khí quản qua đường miệng khó khăn, đặt nội khí quản sợi quang có gây tê tại chỗ trong phòng mổ hoặc ở khoa hồi sức tích cực khi bệnh nhân tỉnh được ưu tiên hơn. Một số bệnh nhân cần phải mở khí quản. Những bệnh nhân không cần đặt nội khí quản ngay lập tức cần phải theo dõi chặt chẽ và có thể tạm thời được hưởng lợi từ việc đặt kèn mũi.

Trích rạch và dẫn lưu có đặt ống dẫn lưu sâu vào cơ hàm móng làm giảm áp lực. Nên chọn thuốc kháng sinh có tác dụng với cả vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí ở miệng (ví dụ, clindamycin, ampicillin/sulbactam và/hoặc penicillin liều cao).