Sinh thiết gan

TheoChristina C. Lindenmeyer, MD, Cleveland Clinic
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 08 2023

    Sinh thiết gan cung cấp thông tin mô học về cấu trúc gan và bằng chứng về tổn thương gan (loại và mức độ, độ xơ hóa); thông tin này có thể cần thiết không chỉ để chẩn đoán mà còn để phân giai đoạn, tiên lượng và điều trị. Mặc dù chỉ lấy mảnh mô nhỏ nhưng nó thường là đại diện, thậm chí cho tổn thương khu trú.

    Sinh thiết gan qua da thường được thực hiện tại giường bệnh có hướng dẫn bằng siêu âm. Hướng dẫn bằng siêu âm được ưa chuộng hơn vì nó mang đến cơ hội hiển thị hóa gan và nhắm đích tổn thương khu trú.

    Chỉ định

    Nói chung, sinh thiết được chỉ định cho các bất thường ở gan đáng ngờ mà không xác định được bằng các phương pháp ít xâm lấn hơn hoặc cần mô bệnh học để phân giai đoạn (xem bảng Chỉ định sinh thiết gan). Sinh thiết đặc biệt có giá trị trong việc phát hiện các rối loạn thâm nhiễm ở gan và cần thiết để làm rõ các vấn đề về ghép cùng loại (ví dụ: tổn thương do thiếu máu cục bộ, đào thải, các rối loạn ở đường mật, viêm gan do vi rút) sau ghép gan. Có thể cần phải làm sinh thiết nhiều lần, thường được thực hiện trong nhiều năm, để theo dõi sự tiến triển của bệnh.

    Bảng

    Khám tổng thể và mô bệnh học thường là đủ để khẳng định. Tế bào học (chọc hút kim nhỏ), sinh thiết lạnh và nuôi cấy có thể hữu ích cho một số bệnh nhân. Hàm lượng kim loại (ví dụ: đồng trong nghi ngờ mắc bệnh Wilson, sắt trong bệnh nhiễm sắc tố sắt mô), có thể được đo trong mẫu bệnh phẩmsinh thiết.

    Các hạn chế của sinh thiết gan bao gồm

    • Lỗi khi lấy mẫu

    • Thỉnh thoảng có lỗi hoặc không chắc chắn về các trường hợp ứ mật

    • Cần bác sĩ mô bệnh học có chuyên môn

    Chống chỉ định

    Chống chỉ định tuyệt đối với sinh thiết gan bao gồm

    • Bệnh nhân không có khả năng bất động và duy trì thở hắt ngắn trong thời gian làm thủ thuật

    • Nghi ngờ tổn thương mạch máu (ví dụ: u máu)

    • Tình trạng đông máu/cầm máu thay đổi

    • Giảm fibrinogen máu nặng (như trong trường hợp đông máu lan tỏa nội mạch [DIC])

    Việc xác định rủi ro chảy máu do thủ thuật là phức tập và cần được cá nhân hóa, như các chỉ điểm cầm máu cổ điển (số lượng tiểu cầu, tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế [INR]) đã được chứng tỏ là dự đoán không chính xác xu hướng chảy máu ở những bệnh nhân bị bệnh gan tiến triển. Vì lý do này, các hướng dẫn hiện nay không ghi rõ các giá trị cắt thông số trước khi sinh thiết gan (qua da hoặc qua tĩnh mạch). Người ta cũng có thể sử dụng xét nghiệm độ nhớt đàn để đánh giá tình trạng cầm máu ở những bệnh nhân bị bệnh gan, mặc dù các giá trị đã xác minh cho thủ thuật tại giường bệnh, gồm cả sinh thiết gan, vẫn chưa được thiết lập

    Chống chỉ định tương đối bao gồm thiếu máu nặng, viêm phúc mạc, cổ chướng, tắc mật mức độ nặng, và nhiễm trùng dưới cơ hoành hoặc viêm phổi màng phổi phải hay hoặc tràn dịch màng phổi. Tuy vậy, sinh thiết gan qua da là thủ thuật tương đối an toàn để có thể thực hiện ngoại trú. Tỷ lệ tử vong liên quan là khoảng 0,01% (1, 2). Một biến chứng thường gặp là đau ở vị trí sinh thiết. Các biến chứng nặng (ví dụ: xuất huyết trong ổ bụng, viêm phúc mạc mật, rách gan) phát sinh ở khoảng 0,5% đến 2% số bệnh nhân (2). Các biến chứng thường trở lên rõ ràng trong vòng 3 đến 4 giờ - khoảng thời gian được khuyến cáo để theo dõi bệnh nhân.

    Tham khảo chống chỉ định

    1. 1. Seeff LB, Everson GT, Morgan TR, et al: Complication rate of percutaneous liver biopsies among persons with advanced chronic liver disease in the HALT-C trial. Clin Gastroenterol Hepatol 8(10):877-883, 2010 doi: 10.1016/j.cgh.2010.03.025

    2. 2. West J, Card TR: Reduced mortality rates following elective percutaneous liver biopsies. Gastroenterology 139(4):1230-1237, 2010 doi: 10.1053/j.gastro.2010.06.015

    Các đường khác

    Sinh thiết gan qua tĩnh mạch cảnh là thủ thuật xâm lấn hơn so với đường qua da; thủ thuật này được chỉ định cho bệnh nhân bị bệnh đông máu nghiêm trọng, cổ trướng và/hoặc béo bụng. Thủ thuật bao gồm đặt ống thông vào tĩnh mạch cảnh trong bên phải đi qua tĩnh mạch chủ dưới vào tĩnh mạch gan. Một kim nhỏ sau đó được xuyên qua tĩnh mạch gan vào gan. Sinh thiết thành công ở hầu hết bệnh nhân nhưng thu được các mẫu mô nhỏ hơn. Tỷ lệ biến chứng thấp; 0,6% chảy máu do thủng bao gan (1). Lộ trình này cho phép đo đồng thời áp lực tĩnh mạch trong và áp lực tĩnh mạch sau gan, có thể hữu ích trong việc làm sáng tỏ tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

    Đôi khi, sinh thiết gan được thực hiện trong quá trình phẫu thuật (ví dụ, nội soi ổ bụng); qua đó có thể thu được một mẫu mô lớn hơn, trúng đích hơn.

    Tài liệu tham khảo các lộ trình khác

    1. 1. Dohan A, Guerrache Y, Dautry R, et al: Major complications due to transjugular liver biopsy: Incidence, management and outcome. Diagn Interv Imaging96(6):571-577, 2015 doi: 10.1016/j.diii.2015.02.006