Ascariasis

TheoChelsea Marie, PhD, University of Virginia;William A. Petri, Jr, MD, PhD, University of Virginia School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 09 2022

Bệnh Ascariasis là nhiễm Ascaris lumbricoides hoặc đôi khi là Ascaris suum (một ký sinh trùng liên quan đến lợn). Nhiễm trùng nhẹ có thể không có triệu chứng. Các triệu chứng ban đầu là ở phổi (ho, thở khò khè); các triệu chứng sau đó là đường tiêu hoá, chuột rút hoặc đau bụng do tắc nghẽn đường tiêu hoá (đường ruột hoặc ống mật hay tuyến tuỵ) do giun trưởng thành gây ra. Trẻ bị bệnh mạn tính có thể bị thiếu dinh dưỡng. Chẩn đoán bằng cách xác định trứng hoặc giun trưởng thành trong phân, những con trưởng thành di chuyển từ mũi hoặc miệng, hoặc ấu trùng hiếm khi trong đờm trong giai đoạn di chuyển tới phổi. Điều trị bằng albendazole, mebendazole, hoặc ivermectin.

(Xem thêm Tiếp cận bệnh kí sinh trùng.)

Bệnh giun đũa, bệnh nhiễm giun đường ruột phổ biến nhất trên thế giới, xảy ra trên toàn thế giới nhưng tập trung ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới với điều kiện vệ sinh kém. Tỷ lệ hiện mắc bệnh cao nhất ở trẻ từ 2 đến 10 tuổi và giảm ở nhóm tuổi lớn hơn. Ước tính hiện tại cho thấy khoảng 500 triệu người bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới, và ascariasis góp phần gây ra suy dinh dưỡng ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém. Người ta ước tính rằng bệnh ascariasis là nguyên nhân gây ra 2.000 đến 10.000 ca tử vong trên toàn thế giới hàng năm, trong đó phần lớn là do tắc ruột hoặc đường mật ở trẻ em.

Ở Hoa Kỳ, hầu hết các trường hợp xảy ra ở những người tị nạn, người nhập cư, hoặc du khách đến các vùng dịch tễ nhiệt đới.

Con người bị nhiễm A. lumbricoides khi ăn phải trứng giun, thường là trong thức ăn bị ô nhiễm bởi phân người. Nhiễm trùng cũng có thể xảy ra khi đưa tay hoặc ngón tay bị bẩn vào miệng.

Con người cũng có thể bị nhiễm giun đũa (A. suum), từ lợn, khi chúng ăn phải trứng từ việc xử lý lợn hoặc ăn rau hoặc trái cây chưa nấu chín bị nhiễm phân lợn. Liệu A. suum có phải là một loài khác biệt với A. lumbricoides hay không vẫn còn được tranh luận.

Sinh lý bệnh của bệnh giun đũa

Trứng A. lumbricoides nở ở tá tràng và ấu trùng xâm nhập vào thành ruột non và di chuyển qua vòng tuần hoàn cửa thông qua gan tới tim và phổi. Ấu trùng trú ẩn trong các mao mạch phế nang, xâm nhập các thành phế nang, và đi lên cây phế quản vào hầu họng. Chúng bị nuốt và trở về ruột non, nơi chúng phát triển thành những con giun trưởng thành, chúng giao phối và đẻ trứng vào phân. Chu kỳ giun được hoàn thành trong khoảng 2 đến 3 tháng; giun trưởng sống từ 1 đến 2 năm.

Một số lượng lớn giun bị cuốn lại với nhau gây ra do nhiễm trùng nặng có thể gây tắc ruột, đặc biệt ở trẻ em. Việc di cư lạc chỗ của các cá thể giun trưởng thành không thường xuyên thỉnh thoảng gây tắc nghẽn đường mật hoặc tụy, gây viêm túi mật hoặc viêm tụy; viêm đường mật, áp xe gan và viêm phúc mạc ít gặp hơn. Sốt do các bệnh khác hoặc một số thuốc nhất định (ví dụ: albendazole, mebendazole, tetrachloroethylene) có thể dẫn đến sự di cư lạc chỗ của giun trưởng thành.

Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh giun đũa

Ấu trùng giun đũa di chuyển qua phổi có thể gây ho, thở khò khè, và thỉnh thoảng ho có máu hoặc các triệu chứng hô hấp khác ở người không bị phơi nhiễm giun đũa trước đó.

Giun trưởng thành với số lượng nhỏ thường không gây ra các triệu chứng đường tiêu hoá, mặc dù truyền qua người trưởng thành bằng miệng hoặc trực tràng có thể khiến bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Tắc ruột hoặc mật làm tăng đau bụng, buồn nôn, và nôn mửa. Vàng da là không phổ biến.

Ngay cả những trường hợp nhiễm trùng vừa phải có thể dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng ở trẻ em. Sinh lý bệnh học không rõ ràng và có thể bao gồm sự cạnh tranh về chất dinh dưỡng, sự suy giảm khả năng hấp thụ, và sự chán ăn.

Chẩn đoán bệnh giun đũa

  • Xét nghiệm phân bằng kính hiển vi

  • Xác định giun trưởng thành trong phân hoặc xuất hiện từ mũi, miệng, trực tràng

Chẩn đoán bệnh giun đũa bằng cách phát hiện trứng trong phân hay quan sát giun trưởng thành trong phân hoặc xuất hiện từ mũi hoặc miệng. Đôi khi, ấu trùng có thể được tìm thấy trong đờm trong giai đoạn ở phổi. Có thể nhìn thấy giun trưởng thành trong các nghiên cứu chụp X quang đường tiêu hóa.

Tăng bạch cầu ái toan có thể được phát hiện trong khi ấu trùng di chuyển qua phổi nhưng thường sau đó sẽ giảm xuống khi giun trưởng thành sống trong ruột. X-quang ngực trong giai đoạn phổi có thể cho thấy hội chứng thâm nhiễm Löffler.

Điều trị bệnh giun đũa

  • Albendazole, mebendazole, hoặc ivermectin

Tất cả các nhiễm giun đũa đường ruột cần được điều trị.

Albendazole 400 mg uống một lần, mebendazole 100 mg uống 2 lần/ngày trong 3 ngày hoặc 500 mg uống một lần, hoặc ivermectin 150 đến 200 mcg/kg uống một lần có hiệu quả. Albendazole, mebendazoleivermectin có thể gây hại cho thai nhi, và nguy cơ điều trị ở phụ nữ có thai bị nhiễm giun đũa phải được cân nhắc với nguy cơ nếu không điều trị bệnh. Trước khi điều trị bằng Iremectin, bệnh nhân cần được đánh giá đồng nhiễm với Loa loa nếu họ đã sống ở các vùng miền Trung Phi, nơi Loa loa là loài lưu hành vì ivermectin có thể gây phản ứng nặng ở bệnh nhân mắc loiasis và có mức nhiễm trùng nặng.

Nitazoxanide có hiệu quả với nhiễm giun đũa nhẹ nhưng ít hiệu quả hơn đối với những trường hợp nhiễm nặng. Piperazine, dùng một lần, đã được thay thế bằng các biện pháp ít độc hơn.

Các biến chứng tắc nghẽn có thể được điều trị hiệu quả bằng các thuốc diệt giun hoặc cần phẫu thuật hoặc nội soi loại bỏ khối giun trường thành.

Khi phổi bị ảnh hưởng, điều trị triệu chứng; bao gồm thuốc giãn phế quản và corticosteroid. Các thuốc diệt giun thường không được sử dụng.

Phòng ngừa bệnh giun đũa

Phòng bệnh ascariasis yêu cầu vệ sinh đầy đủ.

Các chiến lược phòng ngừa bao gồm

  • Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước trước khi xử lý thực phẩm

  • Rửa, lột, và/hoặc nấu tất cả rau sống trước khi ăn

  • Không được ăn các loại rau chưa chín hoặc chưa rửa sạch ở những nơi phân người hoặc phân lợn được sử dụng làm phân bón

  • Không đi vệ sinh ngoài trời ngoại trừ trong nhà tiêu có xử lý nước thải phù hợp

Những điểm chính

  • Ascariasis là loại giun đường ruột phổ biến nhất trên thế giới.

  • Trứng nở trong ruột, và ấu trùng di chuyển trước tiên đến phổi và sau đó đến ruột, nơi chúng trưởng thành.

  • Ấu trùng trong phổi có thể gây ho và thở khò khè; khối lượng giun trưởng thành có thể làm tắc nghẽn ruột và những con giun trưởng thành đơn lẻ có thể di chuyển vào và làm tắc nghẽn ống dẫn mật hoặc tuyến tụy.

  • Chẩn đoán bằng kiểm tra phân bằng kính hiển vi; thỉnh thoảng, những con giun trưởng thành được nhìn thấy.

  • Điều trị bằng albendazole, mebendazole, hoặc ivermectin; sự tắc nghẽn có thể đòi hỏi phẫu thuật hoặc nội soi lấy giun.