Rung giật nhãn cầu

TheoLawrence R. Lustig, MD, Columbia University Medical Center and New York Presbyterian Hospital
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 05 2023

    Rung giật nhãn cầu là một chuyển động bất thường theo nhịp của mắt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.

    Rối loạn tiền đình có thể dẫn đến rung giật nhãn cầu vì hệ thống tiền đình và nhân thần kinh vận nhãn liên quan với nhau. Sự xuất hiện của rung giật nhãn cầu do tiền đình giúp phát hiện rối loạn tiền đình và đôi khi giúp phân biệt chóng mặt trung tâm hay ngoại biên.

    Rung giật nhãn cầu tiền đình có một pha chậm gây ra bởi đầu vào tiền đình và một pha nhanh, gây ra chuyển động theo hướng ngược lại. Hướng của rung giật nhãn cầu được xác định theo hướng giật pha nhanh bởi vì nó dễ nhìn thấy hơn. Rung giật nhãn cầu có thể xoay, dọc hoặc ngang và có thể xảy ra tự phát hoặc khi nhìn chằm chằm hoặc khi di chuyển đầu.

    Kiểm tra rung giật nhãn cầu ban đầu được thực hiện khi bệnh nhân nằm ngửa và nhìn không tập trung (có thể sử dụng thấu kính +30 diop hoặc tròng kính Frenzel để tránh nhìn cố định). Bệnh nhân sau đó được xoay từ từ sang trái và sang vị trí bên phải. Các hướng và khoảng thời gian xảy ra rung giật nhãn cầu cần được lưu ý.

    Nếu rung giật nhãn cầu không được phát hiện, hãy thực hiện nghiệm pháp Dix-Hallpike (Barany).

    Trong nghiệm pháp Dix-Hallpike, tình trạng sau sẽ xảy ra:

    • Người bệnh ngồi thẳng trên bàn khám sao cho khi nằm ngửa đầu nhô ra phía cuối bàn khám.

    • Khi có đỡ, bệnh nhân nhanh chóng được hạ xuống tư thế nằm ngang và đầu nhô ra sau 45° so với phương ngang và xoay 45° sang trái.

    • Yêu cầu bệnh nhân nhìn cố định vào một vị trí duy nhất; nhìn cố định có thể rút ngắn hoặc thậm chí loại bỏ rung giật nhãn cầu, vì vậy lý tưởng nhất là nghiệm pháp này được thực hiện với người đeo tròng kính Frenzel để họ không thể nhìn cố định vào bất kỳ thứ gì.

    • Bệnh nhân được quay trở lại vị trí thẳng đứng, và lặp lại động tác vừa rồi với hướng xoay bên phải.

    • Sau đó, bệnh nhân nằm úp mặt sao cho đầu vẫn quay 45° và đầu treo trên bàn khám khoảng 20°.

    • Có thể mất khoảng 5 đến 10 giây (đôi khi lên đến 30 giây) mới xuất hiện chóng mặt và rung giật nhãn cầu (độ trễ). Các triệu chứng kéo dài từ 10 đến 30 giây, sau đó giảm dần và biến mất (tức là độ mỏi).

    Hướng và thời gian của rung giật nhãn cầu và sự phát triển của chóng mặt được ghi nhận. Rung giật nhãn cầu xảy ra khi đầu quay về phía tai bị thương tổn trong chóng mặt kịch phát lành tính theo tư thế (BPPV). Bất kỳ vị trí hoặc nghiệm pháp nào gây rung giật nhãn cầu đều cần phải được lặp lại để xem liệu rung giật nhãn cầu có độ mỏi không.

    Rung giật nhãn cầu do BPPV có thời gian trễ từ 3 giây đến 30 giây, mỏi và xoắn, đập về phía tai bị thương tổn. Ngược lại, rung giật nhãn cầu thứ phát do rối loạn ở hệ thần kinh trung ương không có thời gian trễ và không ngắn. Khi khám rung giật nhãn cầu, bệnh nhân được hướng dẫn để nhìn tập trung vào một đối tượng. Rung giật nhãn cầu gây ra bởi rối loạn ngoại vi bị ức chế bởi sự cố định thị giác. Bởi vì kính áp tròng Frenzel ngăn cản sự cố định thị giác, chúng phải được loại bỏ để đánh giá sự cố định thị giác.

    Kích thích nóng lạnh lên ống tai gây ra tình trạng rung giật nhãn cầu ở người có hệ thống tiền đình còn nguyên vẹn. Thủ thuật này được thực hiện khi bệnh nhân nằm ngửa và đầu nâng cao 30°; mỗi tai được tưới tuần tự bằng nước lạnh (30°C). Một cách khác, (40 đến 44°C) có thể được sử dụng, cẩn thận không để bỏng bệnh nhân với nước nóng quá mức. Nước lạnh gây rung giật nhãn cầu về phía đối diện với tai bị thương tổn; nước ấm tưới vào tai bị thương tổn gây rung giật nhãn cầu về cùng bên với tai bị thương tổn. Một cách dễ nhớ là COWS (Cold lạnh Opposite đối bên và Warm ấm Same cùng bên). Đối với bệnh nhân bị thủng màng nhĩ, không khí nóng và lạnh có thể được thay thế bằng nước. Định lượng đáp ứng nhiệt được thực hiện tốt nhất với kỹ thuật ghi điện rung giật nhãn cầu chính thức (được vi tính hóa) hoặc ghi video rung giật nhãn cầu. Thất bại trong việc gây giật nhãn cầu hoặc sự khác biệt > 20 đến 25% về thời lượng giữa các bên gợi ý một tổn thương ở bên giảm đáp ứng.