Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD)

TheoMark Zimmerman, MD, South County Psychiatry
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 09 2023

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội được đặc trưng bởi một hình thái của việc không quan tâm đến hậu quả và quyền lợi của người khác. Chẩn đoán theo tiêu chuẩn lâm sàng. Điều trị có thể bao gồm liệu pháp nhận thức hành vi, thuốc chống loạn thần và thuốc chống trầm cảm.

(Xem thêm Tổng quan về các Rối loạn nhân cách.)

Người có rối loạn nhân cách chống đối xã hội có hành động trái pháp luật, lừa dối, bóc lột, liều lĩnh vì lợi ích hoặc sự thích thú cá nhân và không hối hận; họ có thể làm như sau:

  • Bào chữa hoặc hợp lý hóa hành vi của họ (ví dụ, suy nghĩ rằng kẻ thua cuộc xứng đáng bị như vậy, bảo vệ vị trí số một của bản thân)

  • Đổ lỗi cho nạn nhân là ngu xuẩn hay bất lực

  • Thờ ơ với những ảnh hưởng có hại và mang tính bóc lột trong hành động của họ đối với người khác

Ước tính tỷ lệ mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội trong đời dao động từ 2% đến 5% dựa trên một số khảo sát dịch tễ học lớn từ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh (1, 2). Rối loạn nhân cách chống đối xã hội phổ biến ở nam giới hơn nữ giới (3:1) (3), và có yếu tố di truyền mạnh mẽ. Tỷ lệ hiện mắc giảm dần theo độ tuổi (4), cho thấy bệnh nhân có thể học được cách thay đổi hành vi không thích nghi của mình theo thời gian.

Bệnh lý đồng diễn là phổ biến. Hầu hết bệnh nhân cũng có rối loạn sử dụng chất kích thích (và khoảng một nửa số người mắc chứng rối loạn sử dụng chất kích thích đáp ứng các tiêu chuẩn về rối loạn nhân cách chống đối xã hội) (3). Bệnh nhân rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường có rối loạn kiểm soát xung động, rối loạn tâm trạng, rối loạn lo âu, rối loạn cờ bạc, rối loạn tăng động/giảm chú ý hoặc rối loạn nhân cách ranh giới.

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. Lenzenweger MF, Lane MC, Loranger AW, et al: DSM-IV personality disorders in the National Comorbidity Survey Replication. Biol Psychiatry 62(6):553-564, 2007. doi: 10.1016/j.biopsych.2006.09.019

  2. 2. Trull TJ, Jahng S, Rachel L Tomko, et al: Revised NESARC personality disorder diagnoses: Gender, prevalence, and comorbidity with substance dependence disorders. J Pers Disord 24(4):412-426, 2010. doi: 10.1521/pedi.2010.24.4.412

  3. 3. Regier DA, Farmer ME, Rae DS, et al: Comorbidity of mental disorders with alcohol and other drug abuse. Results from the Epidemiologic Catchment Area (ECA) Study. JAMA 264(19):2511-2518, 1990 PMID: 2232018.

  4. 4. d'Huart D, Seker S, Burgin D, et al: The stability of personality disorders and personality disorder criteria: A systematic review and meta-analysis. Clin Psychol Rev 102:102284, 2023. doi: 10.1016/j.cpr.2023.102284

Căn nguyên của rối loạn nhân cách chống xã hội

Cả hai yếu tố di truyền và môi trường (ví dụ, lạm dụng trong thời thơ ấu) đều góp phần vào sự phát triển của rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Một cơ chế có thể là bốc đồng hơn là gây hấn có kế hoạch, liên quan đến chức năng vận chuyển serotonin bất thường. Không quan tâm đến sự đau đớn của người khác trong thời thơ ấu có liên quan với hành vi chống đối xã hội vào giai đoạn sau của thời kì thanh thiếu niên.

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội phổ biến hơn ở những người thân có quan hệ huyết thống bậc một của bệnh nhân mắc chứng rối loạn này so với dân số nói chung (1). Nguy cơ phát triển rối loạn này tăng lên ở cả trẻ được nhận nuôi và cả trẻ là con đẻ của cha mẹ có rối loạn.

Nếu rối loạn hành vi kèm theo rối loạn tăng động giảm chú ý phát triển trước 10 tuổi, nguy cơ phát triển rối loạn nhân cách chống đối xã hội ở tuổi trưởng thành sẽ tăng lên (2). Nguy cơ rối loạn hành vi tiến triển thành rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể tăng lên khi cha mẹ lạm dụng hoặc bỏ bê trẻ hoặc không nhất quán trong kỷ luật hoặc phong cách nuôi dạy con cái (ví dụ: chuyển từ nồng nhiệt và hỗ trợ sang lạnh lùng và chỉ trích [3]).

Tài liệu tham khảo về căn nguyên

  1. 1. Polderman TJC, Benyamin B,  de Leeuw CA, et al: Meta-analysis of the heritability of human traits based on fifty years of twin studies. Nat Genet 47(7):702-709, 2015. doi: 10.1038/ng.3285

  2. 2. Storebø OJ, Simonsen EJ: The association between ADHD and antisocial personality disorder (ASPD): A review. Atten Disord: 20(10):815-24, 2016. doi: 10.1177/1087054713512150

  3. 3. Reti IM, Samuels JF, Eaton WW, et al: Adult antisocial personality traits are associated with experiences of low parental care and maternal overprotection. Acta Psychiatr Scand 106(2):126-133, 2002. doi: 10.1034/j.1600-0447.2002.02305.x

Triệu chứng và dấu hiệu của rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Bệnh nhân có rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể biểu hiện sự coi thường người khác và pháp luật bằng cách phá hủy tài sản, quấy rối người khác hoặc ăn cắp. Họ có thể lừa dối, bóc lột, lừa đảo hoặc thao túng con người để có được thứ chúng muốn (ví dụ như tiền, quyền lực, tình dục). Họ có thể sử dụng một bí danh.

Những bệnh nhân này rất bốc đồng; họ không lập kế hoạch trước hoặc xem xét hậu quả hoặc sự an toàn của bản thân hoặc người khác. Do đó, họ có thể đột nhiên thay đổi công việc, nhà cửa, hoặc các mối quan hệ. Họ có thể tăng tốc và lái xe trong tình trạng say xỉn, đôi khi dẫn đến va chạm. Họ có thể uống quá nhiều rượu hoặc dùng ma túy bất hợp pháp.

Bệnh nhân có rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường không có trách nhiệm về mặt xã hội và tài chính. Họ có thể thay đổi công việc mà không có kế hoạch cho một công việc khác. Họ không thể kiếm được việc làm khi có cơ hội. Họ có thể không thanh toán hóa đơn của họ, không trả tiền vay, hoặc không trả tiền cấp dưỡng nuôi con.

Những bệnh nhân này thường dễ bị khiêu khích và kích động thể chất; họ có thể bắt đầu đánh nhau hoặc lạm dụng vợ/chồng hoặc bạn tình. Trong mối quan hệ tình dục, họ có thể thiếu trách nhiệm và bóc lột bạn tình và không thể duy trì một vợ một chồng.

Không có sự hối hận cho những hành động. Bệnh nhân có rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể hợp lý hóa hành động của họ bằng cách đổ lỗi cho những người mà họ làm tổn thương (ví dụ như họ xứng đáng bị như vậy) hoặc cho cuộc sống (ví dụ, không công bằng). Họ quyết định không để bị đẩy ra xung quanh và làm những gì họ nghĩ là tốt nhất cho mình bằng bất kỳ giá nào.

Những bệnh nhân này không đồng cảm với người khác và có thể khinh thường hoặc thờ ơ với những cảm xúc, quyền lợi và đau khổ của người khác.

Bệnh nhân rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể rất cố chấp, tự tin hoặc kiêu ngạo. Họ có thể quyến rũ, ba hoa, và nhanh nhẹn trong lời nói nhằm nỗ lực đạt được những gì họ muốn.

Chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội

  • Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, tái bản lần thứ 5, Tiêu chuẩn Sửa đổi Văn bản, (DSM-5-TR)

Để chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội (1), bệnh nhân phải có

  • Sự coi thường quyền lợi của người khác

Nó được xác định bởi sự có mặt của 3 trong số những rối loạn sau đây:

  • Không quan tâm đến luật pháp, được thể hiện bằng cách liên tục thực hiện các hành vi bị bắt giữ

  • Lừa dối, được thể hiện bằng cách nói dối lặp đi lặp lại, sử dụng các bí danh, hoặc chỉ huy người khác để đạt được lợi ích hoặc sự thích thú cá nhân

  • Hành động bốc đồng hoặc không có kế hoạch trước

  • Dễ dàng bị khiêu khích hoặc kích động, được thể hiện bởi việc liên tục đánh nhau hoặc tấn công người khác

  • Không quan tâm đến sự an toàn của họ hoặc sự an toàn của người khác

  • Liên tục hành động vô trách nhiệm, được thể hiện bằng cách bỏ việc mà không có kế hoạch cho một công việc khác hoặc không thanh toán hóa đơn

  • Không cảm thấy hối hận, được biểu hiện bởi sự thờ ơ hoặc hợp lý hóa việc gây tổn thương hoặc ngược đãi người khác

Ngoài ra, bệnh nhân phải có bằng chứng chứng minh rằng một rối loạn hành vi đã xuất hiện từ 15 tuổi. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội được chẩn đoán chỉ ở người 18 tuổi.

Chẩn đoán phân biệt

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội nên được phân biệt với những rối loạn sau:

  • Rối loạn sử dụng chất: Xác định liệu sự bốc đồng và thiếu trách nhiệm là do rối loạn sử dụng chất hoặc do rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể là một việc khó khăn nhưng có thể dựa trên việc xem xét lại tiền sử của bệnh nhân, bao gồm cả tiền sử từ nhỏ, để kiểm tra giai đoạn không sử dụng chất. Đôi khi rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể được chẩn đoán dễ dàng hơn sau khi rối loạn sử dụng chất đồng thời được điều trị, nhưng rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể được chẩn đoán ngay cả khi có biểu hiện của rối loạn sử dụng chất.

  • Rối loạn hành vi: Rối loạn hành vi có một khuôn mẫu phổ biến tương tự của việc vi phạm các chuẩn mực và quy tắc xã hội, nhưng rối loạn hành vi phải xuất hiện trước tuổi 15.

  • Rối loạn nhân cách ái kỷ: Bệnh nhân đều có sự tương tự về tính khai thác và thiếu sự đồng cảm, nhưng họ không có khuynh hướng hung hăng và lừa dối như xảy ra trong rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

  • Rối loạn nhân cách ranh giới: Bệnh nhân có sự tương tự về sự thao túng nhưng làm như vậy để được nuôi dưỡng hơn là nhận được những gì họ muốn (ví dụ, tiền, quyền lực) như xảy ra trong rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Tài liệu tham khảo chẩn đoán

  1. 1. American Psychiatric Association: Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th ed, Text Revision (DSM-5-TR). Washington, DC, American Psychiatric Association, 2022, pp 748-752.

Điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội

  • Quản lý dự phòng

  • Thuốc trong các trường hợp được lựa chọn

Không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ điều trị cụ thể nào dẫn tới sự cải thiện lâu dài. Do đó, điều trị nhằm đạt được một số mục tiêu ngắn hạn khác, chẳng hạn như tránh các hậu quả pháp lý, thay vì thay đổi bệnh nhân. Kiểm soát dự phòng (tức là cho hoặc giữ lại những gì bệnh nhân muốn tùy thuộc vào hành vi của họ) có thể mang lại lợi ích hạn chế (1). Các rối loạn đi kèm (ví dụ như rối loạn tâm trạng, rối loạn sử dụng chất kích thích) cũng nên được điều trị theo phương pháp ưu tiên của họ.

Những bệnh nhân hung hăng có tính bốc đồng nổi bật và ảnh hưởng không ổn định có thể được hưởng lợi từ việc điều trị bằng thuốc (ví dụ: thuốc chống loạn thần không điển hình, lithium và valproate [xem Điều trị bằng thuốc cho rối loạn lưỡng cực], thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc).

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Gibbon S, Khalifa NR,  Cheung NH-Y, et al: Psychological interventions for antisocial personality disorder. Cochrane Database Syst Rev 9(9):CD007668, 2020. doi: 10.1002/14651858.CD007668.pub3