Tinh dịch có máu

TheoGeetha Maddukuri, MD, Saint Louis University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 12 2022

Tinh dịch có máu là tình trạng có máu trong tinh dịch. Nó thường làm bệnh nhân lo ngại nhưng thường lành tính. Bệnh nhân nam giới đôi khi nhầm lẫn tinh dịch có máu với đái máu hoặc máu từ bạn tình.

Sinh lý bệnh của tinh dịch có máu

Tinh dịch thành phần gồm tinh trùng từ mào tinh hoàn và dịch từ túi tinh, tuyến tiền liệt, và tuyến Cowper - tuyến hành niệu đạo. Do vậy, tổn thương ở bất cứ đâu dọc theo các đường này đều có thể gây chảy máu vào tinh dịch.

Căn nguyên của tinh dịch có máu

Hầu hết các trường hợp của tinh dịch có máu là:

  • Xuất tinh máu nguyên phát và lành tính

Các ca bệnh này thường tự khỏi trong vòng vài ngày tới vài tháng.

Nguyên nhân phổ biến nhất được biết đến là

Các nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm can thiệp dụng cụ vào đường niệu, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, nhiễm trùng (ví dụ, viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo, viêm mào tinh hoàn) và ung thư tuyến tiền liệt (ở nam giới > 35 đến 40 tuổi). Thi thoảng, khối u túi tinh, u tinh hoàn cũng liên quan với tình trạng tinh dịch có máu. U máu của niệu đạo đoạn tuyến tiền liệt hoặc của ống dẫn tinh có thể khiến cho tinh dịch có máu rất nhiều.

Schistosoma haematobium - sán máng, một loại sán ký sinh gây ra bệnh nghiêm trọng ở châu Phi, một phần của Trung Đông, và Đông Nam Á, có thể xâm nhập vào đường tiết niệu, gây ra tiểu máu và tinh dịch có máu. Sán máng được chú ý xem xét ở những người đàn ông sống trong khu vực dịch tễ. Lao cũng là một nguyên nhân gây tinh dịch có máu nhưng không phổ biến.

Đánh giá tinh dịch có máu

Lịch sử

Bệnh sử nên lưu ý diễn biến theo thời gian của các triệu chứng. Những bệnh nhân không tình nguyện cung cấp thông tin cần phải được hỏi cụ thể về sinh thiết tuyến tiền liệt gần đây hoặc bất kỳ chấn thương nào (ví dụ: dụng cụ tiết niệu, tiêm vào dương vật, chấn thương liên quan đến quan hệ tình dục). Các triệu chứng phối hợp quan trọng bao gồm tiểu máu, khó bắt đầu hoặc khó ngưng dòng nước tiểu, tiểu đêm, nóng rát khi đi tiểu, chảy dịch dương vật. Hoạt động tình dục cũng cần lưu ý.

Khám toàn thân cần phải tìm các triệu chứng của các bệnh lý căn nguyên, bao gồm dễ bầm tím, thường xuyên bị chảy máu cam, chảy máu lợi quá nhiều khi đánh răng hoặc can thiệp nha khoa (rối loạn huyết học) và sốt, ớn lạnh, chảy mồ hôi ban đêm, đau xương, hoặc sụt cân (nhiễm trùng hoặc ung thư tiền liệt tuyến).

Bệnh sử cần chú ý hỏi về các bệnh lý đã biết của tuyến tiền liệt, xạ trị điều trị ung thư tuyến tiền liệt, tiền sử mắc hoặc phơi nhiễm với bệnh lao (TB) hoặc HIV, các yếu tố nguy cơ bị bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI – ví dụ: giao hợp không an toàn, nhiều bạn tình), rối loạn chảy máu đã biết đến và các bệnh lý có thể dẫn đến chảy máu (ví dụ: xơ gan). Tiền sử dùng thuốc: nên lưu ý đến việc sử dụng thuốc chống đông hoặc thuốc chống ngưng tập tiểu cầu. Bệnh nhân cần được hỏi tiền sử gia đình về bệnh ung thư tuyến tiền liệt và đi du lịch đến các vùng nơi bệnh sán máng đang lưu hành.

Khám thực thể

Bộ phận sinh dục ngoài cần được kiểm tra và sờ nắn để tìm các dấu hiệu của viêm (da sung huyết, khối u, đau khi sờ nắn), đặc biệt cần kiểm tra dọc theo mào tinh hoàn. Khám trực tràng bằng tay được thực hiện để kiểm tra độ lớn, tình trạng đau khi sờ nắn, hoặc phát hiện khối u của tuyến tiền liệt.

Các dấu hiệu cảnh báo

Những phát hiện sau đây cần được quan tâm đặc biệt:

  • Triệu chứng kéo dài > 1 tháng trong trường hợp gần đây không có sinh thiết tuyến tiền liệt

  • Tổn thương phát hiện qua sờ nắn mào tinh hoàn hoặc tuyến tiền liệt

  • Đi du lịch đến khu vực mà bệnh sán máng lưu hành

  • Các triệu chứng toàn thân (ví dụ, sốt, sụt cân, đổ mồ hôi ban đêm)

Giải thích các dấu hiệu

Bệnh nhân có triệu chứng sau sinh thiết tuyến tiền liệt cần được giải thích rằng tinh dịch có máu là vô hại và sẽ mất dần, mặc dù nó thường tồn tại trong vài tháng.

Những bệnh nhân trẻ tuổi khỏe mạnh có tinh dịch có máu thoáng qua, trong khi tiền sử, bệnh sử và khám, không có tiền sử du lịch tới vùng dịch tễ thì có thể xuất tinh máu là tự phát.

Bệnh nhân khám tuyến tiền liệt bất thường có thể do ung thư tuyến tiền liệt, tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, hoặc viêm tuyến tiền liệt. Chảy dịch niệu đạo gợi ý bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI).

Đau khi sờ vào mào tinh hoàn cho thấy có STI hoặc hiếm hơn là bị lao (nguy cơ hơn ở bệnh nhân có phơi nhiễm với lao hoặc bị suy giảm miễn dịch).

Những dấu hiệu đặc trưng của các rối loạn đông cầm máu hoặc sử dụng thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu gợi ý một nguyên nhân trước mắt nhưng không loại trừ một rối loạn tiềm ẩn.

Xét nghiệm

Trong hầu hết các trường hợp, đặc biệt ở nam giới < 35 đến 40 tuổi, tinh dịch có máu hầu như luôn lành tính. Nếu không thấy bất thường đáng kể nào khi khám thực thể (bao gồm cả khám trực tràng bằng ngón tay), thì tiến hành phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu và xét nghiệm STI, nhưng không cần thực hiện thêm các kiểm tra/xét nghiệm khác.

Bệnh nhân, những người có nhiều rối loạn cơ bản nghiêm trọng cần phải xét nghiệm khi có các dấu hiệu sau:

Những dấu hiệu trên cần đặc biệt lưu ý ở bệnh nhân nam > 40 tuổi. Các xét nghiệm cần làm bao gồm phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu, xét nghiệm kháng nguyên tuyến tiền liệt đặc hiệu (PSA), và siêu âm qua trực tràng. Đôi khi cần làm thêm MRI và nội soi bàng quang. Xét nghiệm tinh dịch và tinh dịch đồ hiếm khi được thực hiện, nhưng có thể hữu ích khi tiền sử đi tới vùng dịch tễ gợi ý có thể tiếp xúc với sán máng S. haematobium.

Điều trị tinh dịch có máu

Điều trị nguyên nhân nếu biết căn nguyên. Đối với hầu hết nam giới, cần đảm bảo rằng tinh dịch có máu không phải là dấu hiệu của ung thư và không ảnh hưởng đến chức năng tình dục và chỉ can thiệp khi cần thiết. Nếu nghi ngờ có viêm tuyến tiền liệt, có thể điều trị bằng sulfamethoxazole/trimethoprim hoặc kháng sinh khác trong 4 đến 6 tuần. Không nên sử dụng fluoroquinolones trong điều trị nhiễm trùng đường niệu không biến chứng nếu không thực sự cần thiết bởi tác dụng ngoại ý của chúng trên gân cơ.

Những điểm chính

  • Hầu hết các trường hợp xuất tinh máu là tự phát hoặc xuất hiện sau sinh thiết tiền liệt tuyến.

  • Việc chỉ định xét nghiệm là bắt buộc đối với bệnh nhân có triệu chứng kéo dài hoặc phát hiện các dấu hiệu bất thường.

  • Bệnh sán máng nên được xem xét ở những bệnh nhân đã đi đến các vùng bệnh lưu hành.