Viêm tuyến mồ hôi mủ

TheoJonette E. Keri, MD, PhD, University of Miami, Miller School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 02 2022

Viêm tuyến mồ hôi mủ là một quá trình viêm mạn tính, sẹo, xơ cứng xảy ra ở vùng nách, háng và xung quanh núm vú và hậu môn. Chẩn đoán bằng khám lâm sàng. Điều trị phụ thuộc vào giai đoạn.

Viêm tuyến mồ hôi mủ là một bệnh viêm mạn tính của nang lông và các cấu trúc liên quan. Viêm và tắc nghẽn nang lông dẫn đến vỡ nang lông và sự phát triển của áp xe, xoang, và sẹo.

Có nhiều khối u sưng, đau, giống như áp xe da. Những tổn thương này thường vô khuẩn. Đặc trưng của các trường hợp bệnh mạn tính là hình thành các đường hầm nhiều dịch, đau. Trong các trường hợp mạn tính, nhiễm trùng do vi khuẩn có thể tạo ra các đường hầm và áp xe sâu. Trong các trường hợp mạn tính ở nách, các nang tập trung lại tạo thành các cục có thể sờ thấy dưới da với các dải xơ giống như sợi dây. Tình trạng này có thể trở gây ảnh hưởng chức năng do đau và mùi hôi.

Chẩn đoán viêm tuyến mồ hôi mủ

  • Đánh giá lâm sàng

Chẩn đoán viêm tuyến mồ hôi mù bằng cách khám lâm sàng. Nuôi cấy nên được thực hiện với các áp xe ổ sâu và các xoang ở những bệnh nhân bị bệnh mạn tính, nhưng thường không tìm thấy các mầm bệnh. Hệ thống phân loại Hurley mô tả mức độ nặng của bệnh:

  • Giai đoạn I: Hình thành áp xe, đơn độc hoặc nhiều, không có xoang và sẹo.

  • Giai đoạn II: Các ổ áp xe tái phát thường xuyên hoặc nhiều lần, với sự hình thành xoang hoặc sẹo

  • Giai đoạn III: Nhiều xoang và ổ áp xe lan tỏa hoặc tụ hợp lại ở toàn bộ các khu vực của cơ thể

Điều trị viêm tuyến mồ hôi mủ

  • Giai đoạn I: Giai đoạn I: clindamycin tại chỗ, tiêm corticosteroid tại tổn thương và thuốc kháng sinh đường uống.

  • Giai đoạn II: Các đợt kháng sinh đường uống dài hơn và đôi khi có thể trích dẫn lưu mủ.

  • Giai đoạn III: Infliximab hoặc adalimumab và thường xuyên cắt bỏ và sửa chữa hoặc phẫu thuật ghép da

Mục tiêu điều trị dự phòng viêm tuyến mồ hôi mủ là ngăn ngừa các tổn thương mới, giảm viêm, và loại bỏ các xoang.

Với bệnh Hurley giai đoạn I, điều trị thông thường bao gồm dung dịch clindamycin 1% 2 lần/ngày, tại chỗ, resorcinol 15% kem một lần/ngày, kẽm gluconat uống (90 mg x 1 lần/ngày), corticosteroid tiêm trong tổn thương (ví dụ: 0,1 đến 0,5 mL dung dịch 5 đến 10 mg/mL triamcinolone acetonide mỗi tháng một lần), và các loại kháng sinh đường uống thời gian ngắn (ví dụ, 7 đến 10 ngày). Tetracycline (500 mg 2 lần/ngày), doxycycline (100 đến 200 mg một lần/ngày), minocycline (100 mg x 1 lần/ngày), hoặc erythromycin (250 đến 500 mg 4 lần/ngày) được sử dụng cho đến khi các tổn thương được giải quyết. Một phác đồ điển hình có thể bao gồm một phương pháp điều trị tại chỗ (ví dụ, dựa trên độ nhạy cảm da của bệnh nhân) và kháng sinh đường uống; tuy nhiên, tất cả các phương pháp điều trị có thể được sử dụng kết hợp hoặc đơn độc. Da được rửa sạch bằng benzoyl peroxide.

Đối với bệnh Hurley giai đoạn II, điều trị bằng một đợt dài hơn (ví dụ, từ 2 đến 3 tháng) với cùng một loại thuốc kháng sinh uống được sử dụng để điều trị bệnh ở giai đoạn I; nếu đáp ứng không đầy đủ, clindamycin 300 mg uống 2 lần/ngày và/hoặc rifampin 600 mg uống một lần/ngày có thể được thêm vào phác đồ. Thêm các thuốc kháng androgen (ví dụ như dùng estrogen uống hoặc các thuốc ngừa thai kết hợp, spironolactone, cyproterone acetate (không có ở Mỹ), finasteride, hoặc phối hợp) có thể điều trị hiệu quả ở phụ nữ. Đối với áp xe có thể trích và dẫn lưu để giảm đau nhưng không đủ để kiểm soát bệnh (không giống như áp xe qua da thông thường). Đối với các tổn thương viêm cấp tính không quá sâu, cần phải thực hiện phẫu thuật đục lỗ (ví dụ cắt bỏ bằng dụng cụ đục 5 đến 7 mm đến 7mm, sau đó là phân hủy và loại bỏ mủ) Các vùng xoang cần được tháo dỡ và gỡ rối. Các vùng xoang cần được tháo dỡ và gỡ rối. Bệnh nhân có tổn thương sâu hơn nên được đánh giá bởi một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ để xem xét cắt bỏ và ghép da.

Với bệnh Hurley giai đoạn III, điều trị thuốc và phẫu thuật nên tích cực hơn. Bằng chứng về hiệu quả giảm viêm là mạnh nhất đối với infliximab (5 mg/kg đường tĩnh mạch ở tuần 0, 2 và 6). Ngoài ra, có thể dùng adalimumab (liều ban đầu 160 mg tiêm dưới da trong 1 ngày hoặc chia nhỏ trong 2 ngày liên tiếp, tiếp theo là 1 liều 80 mg tiêm dưới da vào ngày 15 và liều duy trì 40 mg tiêm dưới da mỗi tuần một lần bắt đầu từ ngày 29). Retinoid dạng uống (isotretinoin 0,25 đến 0,4 mg/kg 2 lần/ngày trong 4 đến 6 tháng hoặc acitretin 0,6 mg/kg mỗi ngày một lần trong 9 đến 12 tháng) đã có hiệu quả ở một số bệnh nhân. Nếu bệnh dai dẳng thì việc phẫu thuật cắt bỏ rộng và sửa chữa hoặc ghép da ở những vùng bị ảnh hưởng rất cần thiết. Liệu pháp laser xâm lấn (CO2 hay erbium:YAG) là một phương pháp điều trị thay thế. Trong một số trường hợp thì triệt lông bằng laser cũng đã được sử dụng thành công.

Các biện pháp bổ sung khuyến cáo cho tất cả các bệnh nhân bị viêm tuyến mồ hôi mủ bao gồm duy trì vệ sinh da tốt, giảm thiểu chấn thương, hỗ trợ tâm lý và có thể tránh chế độ ăn có hàm lượng glycemic cao.

Những điểm chính

  • Các thương tổn thường vô trùng trừ những áp xe sâu và xoang trong trường hợp bệnh mạn tính.

  • Viêm tuyến mồ hôi mủ có thể gây mất chức năng.

  • Điều trị viêm tuyến mồ hôi mủ dựa trên phân loại giai đoạn của Hurley.

  • Các biện pháp điều chỉnh bao gồm duy trì vệ sinh da tốt, giảm thiểu chấn thương, hỗ trợ tâm lý và có thể tránh một chế độ ăn nhiều đường huyết.