Mất nhận thức

TheoJuebin Huang, MD, PhD, Department of Neurology, University of Mississippi Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 08 2023

Mất nhận thức là hiện tượng không có khả năng xác định một vật thể bằng cách sử dụng một hoặc nhiều giác quan. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng, thường bao gồm các test đánh giá thần kinh tâm lý, đi kèm các phương tiện chận đoán hình ảnh thần kinh (ví dụ: CT, MRI) để xác định nguyên nhân. Tiên lượng phụ thuộc vào bản chất và mức độ tổn thương và tuổi của bệnh nhân. Không có điều trị đặc hiệu, nhưng liệu pháp ngôn ngữ và nghề nghiệp có thể giúp bệnh nhân bù trừ lại phần nào chức năng đã mất.

Mất nhận thức là tình trạng ít gặp.

Căn nguyên của mất nhận thức

Mất nhận thức là do tổn thương (ví dụ do nhồi máu, khối u, áp xe, hoặc chấn thương) hoặc thoái hóa các vùng não kiểm soát nhận thức, trí nhớ và nhận dạng (ví dụ: Bệnh Alzheimer, Sa sút trí tuệ bệnh Parkinson). Khu vực bị ảnh hưởng thường là vỏ não liên kết một phương thức đối với giác quan bị ảnh hưởng.

Các loại mất nhận thức

Các tổn thương não khác nhau có thể gây ra các thể mất nhận thức khác nhau, có thể liên quan đến bất kỳ giác quan nào. Điển hình, chỉ có một giác quan bị ảnh hưởng:

  • Nghe (mất nhận thức thính giác - không có khả năng xác định các vật thể thông qua âm thanh chẳng hạn như chuông điện thoại)

  • Nếm (mất nhận thức vị giác)

  • Ngửi (mất nhận thức khứu giác)

  • Xúc giác (mất nhận thức cảm giác thân thể)

  • Nhìn (mất nhận thức thị giác)

Ví dụ, bệnh nhân bị mất nhận thức cảm giác thân thể, gặp khó khăn trong việc xác định một vật quen thuộc (ví dụ như chìa khoá, chốt an toàn) đặt trong bàn tay của phía cơ thể đối diện với tổn thương. Tuy nhiên, khi họ nhìn vào đối tượng, họ ngay lập tức nhận ra và có thể xác định nó.

Các thể mất nhận thức khác liên quan đến quá trình rất đặc hiệu và phức tạp trong một giác quan.

Mất nhận thức khuôn mặt là không có khả năng xác định khuôn mặt đã biết rõ, bao gồm cả những người bạn thân hoặc để phân biệt các đồ vật riêng lẻ trong một nhóm các đồ vật, mặc dù còn khả năng xác định các đặc điểm chung của khuôn mặt và các đồ vật. Mất nhận thức khuôn mặt thường đi kèm với tổn thương thùy thái dương dưới - thường là những tổn thương nhỏ hai bên, đặc biệt là ở hồi thoi.

Mất nhận thức bệnh tật là không nhận thức được rằng cơ thể có thiếu sót bệnh lý, hoặc không hiểu được về một thiếu sót đang tồn tại của cơ thể. Nó thường kèm theo tổn thương thùy đỉnh bán cầu không ưu thế bên phải (thường do đột quỵ cấp tính hoặc chấn thương sọ não). Bệnh nhân bị suy giảm nhiều chức năng có thể không nhận thức được một chức năng bị suy giảm, nhưng vẫn nhận thức được đầy đủ các chức năng bị suy giảm khác. Bệnh nhân bị mất nhận thức bệnh tật có thể phủ nhận thiếu sót vận động của họ, nhấn mạnh rằng không có gì bất thường, ngay cả khi một bên cơ thể của họ bị liệt hoàn toàn. Khi chỉ ra phần cơ thể bị liệt, bệnh nhân có thể phủ nhận rằng đó là phần cơ thể của họ.

Trong một hiện tượng thường gặp có liên quan, bệnh nhân phớt lờ các bộ phận cơ thể bị liệt hoặc bị tê bì (mất chú ý nửa người) hoặc không gian xung quanh chúng (thờ ở một bên). Thờ ơ một bên thường liên quan đến nửa trái cơ thể.

Mất khả năng tích hợp các thành phần của cảnh trực quan không có khả năng nhìn thấy nhiều hơn một đối tượng hoặc một phần của một đối tượng cùng một lúc; bệnh nhân không thể cảm nhận được toàn bộ một khung cảnh. Ví dụ: khi được hiển thị hình ảnh bàn bếp có thức ăn và các dụng cụ khác nhau trên đó, họ cho biết họ chỉ nhìn thấy một vật dụng, chẳng hạn như một cái thìa. Mất khả năng tích hợp các thành phần của cảnh trực quan thường là kết quả của tổn thương vùng nối chẩm-đỉnh hai bên.

Hội chứng Balint là tam chứng mất khả năng tích hợp các thành phần của cảnh trực quan, chứng mất điều hòa thị giác (đi sai hướng đối với các mục tiêu thị giác) và chứng ngưng vận động mắt (không có khả năng kiểm soát chuyển động mắt tự nguyện, mặc dù mắt có thể di chuyển tự phát theo mọi hướng). Hội chứng Balint dường như là rối loạn chức năng tri giác-vận động ảnh hưởng đến vỏ não đa phương thức của vùng đỉnh-chẩm lưng hai bên.

Tổn thương vùng đỉnh-chẩm có thể gây ra mất nhận thức liên quan đến các bất thường về nhận thức thị giác bao gồm

  • Mất khả năng nhận ra những nơi quen thuộc (mất nhận thức về môi trường)

  • Rối loạn thị giác (mất nhận thức thị giác)

  • Mù màu (achromatopsia)

Các tổn thương thái dương bên phải có thể gây ra

  • Mất khả năng giải thích âm thanh (mất nhận thức thính giác)

  • Suy giảm khả năng cảm nhận âm nhạc (mù âm nhạc)

Chẩn đoán mất nhận thức

  • Khám thần kinh

  • Các bài kiểm tra thần kinh - tâm lý

  • Hình ảnh não

Tại giường, bệnh nhân được yêu cầu xác định các đối tượng thông thường thông qua nhìn, sờ, hoặc sử dụng một giác quan khác. Nếu nghi ngờ bị mất nhận thức nửa người, bệnh nhân được yêu cầu xác định các bộ phận bị liệt của cơ thể hoặc các vật thể trong thị trường một bên của họ.

Chi tiết hơn khám thần kinh được thực hiện để phát hiện các thiếu sót nguyên phát trong từng giác quan hoặc khả năng giao tiếp có thể gây trở ngại cho việc kiểm tra chứng mất nhận thức. Ví dụ, nếu xúc giác tinh tế bị rối loạn, bệnh nhân có thể không cảm nhận được một vật thể ngay cả khi chức năng vỏ não là nguyên vẹn. Ngoài ra, thất ngôn có thể gây trở ngại cho việc biểu đạt của bệnh nhân.

Trắc nghiệm thần kinh tâm lý có thể giúp xác định các rối loạn nhận thức kín đáo hơn. Kiểm tra tâm lý thần kinh là kiểm tra theo tiêu chuẩn để cung cấp thông tin về tính toàn vẹn trong cấu trúc và chức năng của não. Nó đánh giá trí thông minh, chức năng điều hành (ví dụ: lập kế hoạch, trừu tượng hóa, hình thành khái niệm), sự chú ý, trí nhớ, ngôn ngữ, nhận thức, chức năng giác quan-vận động, động lực, tâm trạng và cảm xúc, chất lượng cuộc sống và tính cách.

Chẩn đoán hình ảnh thần kinh (ví dụ: CT hoặc MRI có hoặc không có chụp mạch) giúp mô tả đặc hiệu tổn thương trung ương (ví dụ: nhồi máu, xuất huyết, khối u) và kiểm tra hình ảnh teo não gợi ý tổn thương thoái hóa.

Điều trị mất nhận thức

  • Điều trị nguyên nhân

  • Liệu pháp ngôn ngữ hoặc vận động trị liệu

Khi có thể, nguyên nhân của mất nhận thức cần được điều trị (ví dụ phẫu thuật và/hoặc kháng sinh đối với áp xe não, phẫu thuật và/hoặc xạ trị cho khối u não).

Phục hồi chức năng bằng trị liệu ngôn ngữ hoặc vận động trị liệu có thể giúp bệnh nhân học để bù đắp cho mức thâm hụt của họ.

Tiên lượng về mất nhận thức

Sự phục hồi mất nhận thức có thể bị ảnh hưởng bởi

  • Loại, kích thước và vị trí của các tổn thương

  • Mức độ suy giảm

  • Tuổi bệnh nhân

  • Hiệu quả của liệu pháp

Nếu nguyên nhân là tự giới hạn hoặc có thể đảo ngược, hầu hết sự hồi phục xảy ra trong vòng 3 tháng đầu tiên, nhưng sự hồi phục có thể tiếp tục đến một mức nào đó cho đến một năm.

Những điểm chính

  • Các rối loạn mất nhận thức không phổ biến nhưng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ giác quan nào.

  • Chẩn đoán mất nhận thức bằng cách yêu cầu bệnh nhân xác định các đồ vật hoặc, đối với các mất nhận thức kín đáo, bằng cách thực hiện trắc nghiệm thần kinh tâm lý.

  • Tiến hành chẩn đoán hình ảnh thần kinh để mô tả đặc trưng tổn thương gây bệnh.

  • Khuyến cáo phục hồi chức năng bằng ngôn ngữ trị liệu hoặc vận động trị liệu có thể giúp bệnh nhân bù trừ các thiêu sót.